Trổ quả
Tâm linh thường xem "quả" là kết quả của những hành động (hoặc "nhân") mà mỗi người đã gieo trong cuộc sống. Khi "trổ quả", điều này ám chỉ việc những gì bạn đã làm sẽ cho ra kết quả, tốt hoặc xấu, trong tương lai, và những quả này có thể là những trải nghiệm, sự bình an, hạnh phúc hoặc thử thách, khó khăn mà một người phải đối mặt.
Trổ Quả
Đang lúc nói chuyện luân hồi thì có vị hỏi tôi: "Sư nói mỗi lần mình có cái ác niệm hay thiện niệm là mình đang kín đáo tạo ra tâm đầu thai, như vậy thì mấy cái tâm đó nó nằm ở đâu?" Tôi đã nói rồi: Nó chính là lửa trong cái hộp quẹt, nó chính là hoa, là trái trong một cái cây chưa đến mùa. Nó chưa đến mùa thì mình không có thể chỉ nó ra được.
Trong kinh có một câu chuyện thế này đáng để bà con suy nghĩ. Có nhiều người nói "Tôi không thấy báo ứng nhân quả nên tôi không tin". Thì có một vị A La Hán nói thế này "Con à, nó phải có đến lúc thì nó mới trổ ra chứ? Và thứ hai, lúc nó trổ ra con có biết nó là quả hay không?" Hiểu được chưa?
Thứ nhất là cái gì nó cũng phải có lúc. Dầu là cái hoa, cái cọng cỏ nó phải có lúc, có thời, thì nó mới ra chứ đâu phải muốn búng tay là nó ra đâu. Thứ hai, lúc mà nó trổ làm sao mình nhìn mà mình biết nó là quả của cái gì? Hiểu không? Thì cái người mà hỏi Ngài câu đó, nghe Ngài nói như vậy thì họ đã thấm một mớ rồi. Nhưng họ hỏi thêm "Thưa Ngài, Ngài cho con thí dụ được không?" Ngài mới kể cho ổng nghe một câu chuyện, Ngài nói:
"Ngày xưa, có cái ông nhà giàu đó ổng có hai vợ, một vợ bé và một vợ lớn. Theo cái lệ Ấn Độ thời xưa, lớn bé không quan trọng, mà bà nào có con trai, cái đó mới quan trọng.
(Người Tàu cũng vậy. "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", một đứa con trai kể là có, mười đứa con gái kể là không. Chưa hết, "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Tội bất hiếu có ba trong đó cái tội mà không có con nối dõi là tội nặng nhất. "Bất hiếu hữu tam" là gì? Một, không phụng dưỡng cha mẹ. Hai, thấy cha mẹ làm quấy không cản. Ba, không chịu có con trai. "Vô hậu vi đại" là không có cu Tí, cu Tèo là tội nặng nhất. Thì Ấn Độ cũng vậy.)
Nói tới đây tôi mới nhớ lời của sư phụ tôi. Có một người đó bả đẻ toàn là con gái không, bả tới bả than. Lúc đó tôi cũng ngồi kế bên sư phụ. Bả than: "Nhà con xui quá, muốn có con trai mà không được, cứ ráng, rặn rặn riết giờ nó ra 9 đứa con gái." Thì sư phụ tôi nói một câu mà tôi thích quá thích:
"Hồi xưa thì có một ông vua ổng đến ổng đang nghe Đức Phật thuyết pháp, thì có một người trong cung ra nói nhỏ nhỏ với ổng cái gì đó, ổng đang vui tự nhiên ổng sa sầm, thì Đức Phật mới hỏi thế này "Đại vương có an lạc không?". Ngài chỉ hỏi nhẹ vậy thôi. Ổng nói "Dạ thưa Ngài, con gặp Thế Tôn là con an lạc lắm lắm lắm, nhìn Thế Tôn con an lạc, nghe Thế Tôn nói con an lạc, nghĩ về Thế Tôn con an lạc, nhưng hồi nãy con hơi có một tí thiếu an lạc là tại vì trong cung báo ra là hoàng hậu chiều nay mới sanh công chúa, con không có khoái." Thì Phật hỏi thế này "Đại vương nên nhớ bao nhiêu người đàn ông vĩ đại nhất trên thế giới đều do đàn bà đẻ ra, tại sao lại coi thường phụ nữ?". Ổng nghe vậy ổng vui trở lại. Gọi là "Con tim đã vui trở lại", "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng".
Có nghĩa là khi mình coi thường con gái, mình quên một chuyện là tất cả những thằng đàn ông ngon lành nhất là đều do con gái nó đẻ ra chứ thằng đàn ông nào nó đẻ được đâu. Ngay cả nó chuyển giới hình như nó cũng chưa đẻ được phải không? Nó đâu đủ điện nước đâu để nó đẻ? Mình cứ nói lạc đề riết, nhưng mà không phải lạc đề, bởi vì tôi muốn bà con khi nghe tôi giảng, bà con học được tùm lum chuyện, hiểu không? Cho nên chịu khó ăn buffet chứ còn đãi món nghèo lắm.
Trở lại chuyện ông nhà giàu đó ổng có hai vợ. Hai cô này đó, cô vợ bé cái bụng cổ lúp lúp, còn cô vợ cả thì bao nhiêu năm qua cái bụng vẫn phẳng lì không có dấu hiệu, thình lình thì cái ông nhà giàu lăn đùng ra chết, hiểu không? Thì lúc đó các vị biết tâm trạng của bà vợ lớn, bả nóng ruột lắm, bả mới kêu bà vợ bé bả nói thế này: Ảnh mất rồi, cái vị trí của cô trong nhà này hoàn toàn tùy thuộc vào cái đứa nhóc trong bụng của cô, bây giờ nó là trai thì cô còn có phần, mà nó là gái thì mời em đi. Mà cứ ngày nào cũng nhắc cổ vậy hết. Cuối cùng cổ nôn nóng quá cổ đi vô trong phòng cổ tự rọc ra. Rất may mắn, chuyện đó không có thật. Ngài chỉ kể thôi, rồi Ngài hỏi cái ông mà vấn đạo "Theo ông, hành động như vậy có thông minh không?" Ổng nói "Thưa Ngài, ít nhất cũng phải 9 tháng 10 ngày chứ". Ngày xưa đâu có siêu âm như bây giờ. Nên ổng nói "Thưa Ngài, ít ra 9 tháng 10 ngày sanh ra mới biết, có ai mà đi tìm kết quả sớm như vậy".
Thì Ngài nói: Cũng như vậy, vấn đề nhân quả y chang như vậy. Cái gì nó cũng có lúc, có thì, chúng ta không thể cưỡng cầu, khiên cưỡng được.
Các vị hỏi tôi những gì tôi vừa kể ở đâu? Dạ, đó là Kinh Tệ túc trong Trường bộ. Cái điều mà tôi kỵ nhất đó là thuyết pháp, kể cho bà con nghe cái này, cái kia mà toàn là do mình tưởng tượng không là không được, nha.
Thì cái câu chuyện mà tôi vừa kể nằm trong Kinh Tệ túc của Trường bộ kinh. Bài kinh đó bà con đọc nó đã vô cùng, bản kinh đó nó cho mình những câu trả lời về nhân quả luân hồi, báo ứng, kiếp trước, kiếp sau bằng những ví dụ rất là xác đáng và rất là dí dỏm, hóm hỉnh, rất là thông
(Nguồn: https://toaikhanh.com/read.php?doc=202005172229&lan=vn)
Xem thêm