Vì Sao Anh Rút Lui? "Tâm Lý Về Tình Yêu, Rối Loạn Né Tránh"

Khi một người đàn ông nói “anh chọn rút lui”, vì họ mang theo vết thương cũ chưa từng được chữa lành. Bài viết phân tích hành vi né tránh cảm xúc dưới góc nhìn tâm lý học gắn bó, giúp người từng rút lui – hoặc người bị bỏ lại – hiểu rằng họ không điên, không sai, chỉ là đang sống lại một mô thức cũ. Một bài viết chữa lành cho cả hai phía.

Anh Xin Lỗi, Anh Chọn Rút Lui" – Khi Một Đứa Trẻ Không Biết Ở Lại Gặp Một Người Biết Yêu

(Phần 1: Nỗi đau gốc, tâm lý né tránh và phản ứng bỏ rơi)

"Lỗi là ở anh, em không có lỗi gì cả. Anh nhìn được mình sau thời gian bên em, thật lòng anh xin lỗi tất cả những gì đã gây ra cho em. Mong rằng em sẽ mạnh mẽ và có cuộc sống tốt hơn mà không phải lo sợ sự phán xét của người khác. Bản thân anh thực sự không tốt và anh không muốn làm phiền đến cuộc sống của em nữa, anh chọn rút lui. Cảm ơn tình cảm của em đã dành cho anh. Tạm biệt em."

Một tin nhắn, một lời rút lui nhẹ nhàng.
Không giận dữ, không chia tay chính thức.
Không gọi tên mối quan hệ là gì.
Nhưng để lại một người ở lại với vô vàn câu hỏi, và một cơn nghi ngờ chính mình kéo dài dai dẳng.


Từ góc nhìn tâm lý học: Rối loạn né tránh (Avoidant Attachment)

Những người có kiểu gắn bó né tránh thường lớn lên trong môi trường thiếu an toàn về mặt cảm xúc:

  • Nơi cảm xúc không được khuyến khích thể hiện,

  • Nơi sự tổn thương bị xem là yếu đuối,

  • Và tình yêu thường đi kèm điều kiện: phải “nghe lời”, phải “tự lập”, phải “mạnh mẽ”.

Để tồn tại, họ học cách ngắt kết nối khỏi cảm xúc, thậm chí cả với chính mình.
Khi lớn lên, những người này có thể rất thu hút, chín chắn, hiểu biết về tâm linh – nhưng lại không thể duy trì sự thân mật thực sự.

Họ khát khao yêu thương, nhưng lại sợ bị nhìn thấy quá rõ.
Họ muốn gần, nhưng chỉ thoải mái khi giữ khoảng cách.

Khi một mối quan hệ trở nên sâu sắc, họ hoảng sợ. Và như một phản xạ phòng vệ, họ rút lui – lặng lẽ, hợp lý, nhưng đầy tổn thương.


Người rút lui: Một đứa trẻ chưa từng được dạy cách ở lại

Đằng sau vẻ trầm tĩnh ấy là một đứa trẻ từng gào thét xin được yêu thương mà không ai nghe.
Một đứa trẻ buộc phải trưởng thành quá sớm, không được dạy cách xử lý cảm xúc, không được ôm khi buồn.

Và rồi, người đàn ông đó lớn lên – biết nói những lời tử tế, biết nhận lỗi, biết “rút lui có ý thức”.
Nhưng thật ra, anh ta chưa từng học được cách ở lại.

Khi yêu: Họ bê nguyên cách hành xử của cha mẹ hoặc người thân vào mối quan hệ hiện tại.

Khi người phụ nữ khóc, cần dỗ dành, cần được yêu như một đứa trẻ nhỏ – họ bị kích hoạt.
Nỗi sợ cũ sống dậy.
Đó không còn là người yêu đang cần mình – mà là “một vấn đề lớn”, như ngày xưa họ từng bị trách mắng khi bộc lộ cảm xúc.

Và rồi, họ bê luôn cách hành xử đó vào với bạn.

Ngày xưa, tôi bị phớt lờ khi đau – giờ tôi phớt lờ cô ấy.
Ngày xưa, tôi không ai dỗ dành – giờ tôi không biết dỗ dành ai.
Ngày xưa, tôi phải im lặng để được yên thân – giờ tôi im lặng để không phải chịu trách nhiệm.

Bối cảnh sống và cha mẹ họ đã vô thức dạy họ: né tránh là an toàn.
Và trong hiện tại, họ đang phản ứng với người yêu bằng cách của một đứa trẻ chưa từng được yêu lành mạnh.

“Cô ấy đang khóc…
Cô ấy cần tôi dỗ dành…
Nhưng tôi không biết làm gì cả.
Nếu tôi ở lại, tôi sẽ lúng túng, yếu thế, vỡ vụn.
Rút lui là cách duy nhất để giữ được vỏ bọc mà tôi đã dựng lên cả đời."


Người ở lại: Tự hỏi “Mình đã sai ở đâu?”

Người phụ nữ ấy… ở lại.
Với một lời rút lui tử tế, nhưng không có hồi kết rõ ràng.

Cô bắt đầu hoài nghi chính mình:

“Có phải mình quá nhạy cảm?”
“Mình chỉ muốn được yêu thôi mà… sao lại bị rời bỏ?”
“Mình có đang… yêu sai cách không?”

Không! Bạn không sai.
Yêu là có nũng nịu, có đòi hỏi, có mong được ôm khi yếu mềm.
Yêu là đôi khi gây hấn, đòi hỏi được chăm sóc – vì tin rằng người ấy sẽ không rời đi.

Yêu thì bạn có quyền được chia sẻ lắng nghe ( Đôi lúc chỉ nghe thôi và đừng phán xét gi cả)


Tình yêu không phải là rút lui có ý thức – mà là ở lại với trái tim có thật

Nếu bạn từng đóng vai Ngươi rút lui như thế – xin hãy biết:
Bạn không xấu. Bạn chỉ đang sống theo một cơ chế phòng vệ rất cũ.
Nhưng bạn hoàn toàn có thể học lại cách yêu, học lại cách ở lại – nếu bạn dám ngồi lại với đứa trẻ trong mình.

Nếu bạn từng bị rời bỏ như thế – xin hãy nhớ:
Bạn không điên.
Bạn không yêu sai cách.
Bạn chỉ dám yêu chân thật một người chưa sẵn sàng để nhận lấy.

Tình yêu là sự tương tác giữa hai đứa trẻ bên trong – nếu một người chưa bao giờ được yêu đúng cách, họ sẽ không biết cách yêu người khác.
Nhưng nếu họ đủ can đảm nhìn lại chính mình – hành trình trưởng thành có thể bắt đầu.

Và nếu bạn là người ở lại – xin hãy ở lại với chính mình trước.
Người không thể ở lại với bạn, chưa chắc là vì bạn không đủ tốt – mà có thể vì họ chưa từng biết ở lại với chính họ.

Thương cho người đã rời đi – vì họ chưa từng học cách ở lại.
Tội cho người ở lại – vì họ yêu quá thật lòng một người chưa sẵn sàng.
Và nếu cả hai đủ dũng cảm nhìn lại… có lẽ, họ đều chỉ đang đi tìm một nơi gọi là an toàn để được yêu.

Nhưng bạn à, ai cũng phải học sống một mình, tổn thương nào cũng phải tự mình soi chiếu

Chúc bạn nhanh Lành nhé! 


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng